‘Ngoại binh ngành kinh tế’ giành giải Xuất sắc cuộc thi “Olympic Kinh tế lượng”

13/07/2017

Dù không được đào tạo chuyên sâu về kinh tế, Nhóm sinh viên tới từ Viện Toán ứng dụng và Tin học vẫn giành giải Xuất sắc duy nhất trong một cuộc thi được xem như chỉ dành riêng cho sinh viên khối ngành này.

Olympic “Kinh tế lượng và ứng dụng” là cuộc thi mang tính học thuật về các mô hình toán ứng dụng trong kinh tế hay còn gọi là kinh tế lượng. Cuộc thi do Học viện Tài chính phối hợp với Trung ương Hội sinh viên tổ chức, đến năm nay đã được 3 mùa. Ban Giám khảo (BGK) và Ban cố vấn chuyên môn của cuộc thi là những chuyên gia, nhà Kinh tế học có tên tuổi, có thể kể đến như:

  • TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương;
  • TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia - hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP;
  • TS. Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam;
  • PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Tài chính, nguyên Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia;
  • TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách - Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên hội đồng cố vấn kinh tế cho thủ tướng nhiệm kì 2011-2016;
  • PGS., TS Nguyễn Thị Hoài Lê: Trưởng Bộ môn Tài chính Ngân hàng, Học viện Khoa học Xã Hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam;
  • TS. Cấn Văn Lực: Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV; Hàm Phó Tổng Giám đốc, Kiêm Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV;
  • TS. Nguyễn Đức Độ: Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính;
  • TS. Lưu Hoàng Đức: Nghiên cứu viên Phòng Xác suất và Thống kê, Viện toán học và Viện nghiên cứu Max Planck Các khoa học về Toán, Leipzig, CHLB Đức;
  • TS. Nguyễn Duy Lợi: Phó Tổng biên tập Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Trong 3 năm được tổ chức, cuộc thi thu hút sự góp mặt của các trường đại học lớn khối ngành kinh tế như Học viện Tài chính, Đại học Ngoại thương Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Ngân hàng. Theo PGS.TS Phạm Văn Liên - Phó giám đốc Học viện Tài chính, so với hội thi lần thứ nhất, năm nay có 25 trường tham gia (tăng 6 trường), có 87 đề tài được vào sơ khảo hội thi (tăng 5 đề tài), 297 sinh viên (tăng 45 sinh viên). Đặc biệt có 3 đề tài tham gia đến từ Trường Đại học Quốc tế Alliant và Trường Đại học Bang Mississippi của Hoa Kỳ.

Tham gia cuộc thi với đề tài nghiên cứu về phương pháp mới trong định phí bảo hiểm ô tô, 3 thành viên đến từ lớp Toán tin K57, gồm các sinh viên Nguyễn Thế Lâm, Nguyễn Tiến Mạnh và Đỗ Việt Anh đã thuyết phục BGK ở tính khả thi trong ý tưởng cùng tiềm năng thương mại hóa sản phẩm để vượt qua 87 đề tài, trở thành quán quân của cuộc thi Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng mùa thứ 3.

Đánh giá về đề tài này, TS Võ Trí Thành cho rằng sản phẩm có khả năng áp dụng thương mại ngay do giải quyết được những vấn đề về bảo hiểm xe cơ giới đang rất bức xúc hiện nay. Trong thời gian gần đây, quỹ bảo hiểm xe cơ giới đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nguyên nhân xuất phát từ việc nguồn thu phí bảo hiểm không đảm bảo để chi trả cho việc bồi thường khi có yêu cầu, chứ chưa nói gì đến việc chi trả cho phí hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm. Đề tài này đã đưa ra được một phương pháp khá hay dựa trên việc dự đoán rủi ro của người tham gia mà tính phí, qua đó đảm bảo được các yếu tố như cân bằng tài chính cho công ty bảo hiểm, công bằng giữa những người tham gia bảo hiểm khi người gây ít rủi ro sẽ phải chịu mức phí thấp hơn.

Nhưng nếu chỉ có nội dung đề tài xuất sắc thôi thì có lẽ chưa đủ để các sinh viên Toán Tin được đánh giá cao như vậy. Cách trình bày tự tin năng động mang bản sắc của sinh viên Bách khoa đã thực sự hấp dẫn BGK. Tất cả các câu hỏi mà BGK đưa ra đều được nhóm trả lời một cách nhanh chóng và rõ ràng. Cuối phần hỏi đáp, TS Võ Trí Thành và TS Nguyễn Đức Thành còn gợi ý cho nhóm cách thức để phát triển đề tài nhằm mục tiêu có thể sử dụng ngay trong thực tế tại các công ty bảo hiểm.

Nói về thành tích của mình, bạn Nguyễn Thế Lâm chia sẻ: “Mình thấy hầu hết các đề tài lọt vào chung khảo đều rất xuất sắc. Nhưng mình nghĩ điểm khiến đề tài của bọn mình được đánh giá xuất sắc hơn các đề tài khác là do bọn mình áp dụng một mô hình có hàm lượng toán học cao hơn, do đó nó có thể giải quyết được vấn đề phức tạp theo cách đơn giản và tối ưu hơn. Điều đặc biệt là kiến thức của bọn mình sử dụng hoàn toàn được học từ môn ‘Các mô hình ngẫu nhiên và ứng dụng’ của cô Nguyễn Thị Ngọc Anh”.

Trong việc nghiên cứu áp dụng các mô hình toán vào kinh tế học, sinh viên Viện Toán ứng dụng và Tin học cũng đạt được một số thành công khi tham gia các cuộc thi NCKH sinh viên. Năm 2016, sinh viên Nguyễn Thế Lâm cùng sinh viên Bùi Tuấn Anh (lớp KSTN K57) cũng giành giải nhất chính hội thi này với đề tài "Hệ thống thưởng phạt trong tái tục bảo hiểm TNDS dành cho bên thứ 3". Đề tài này sau đó giành giải Nhì cuộc thi NCKH sinh viên cấp trường đại học Bách Khoa Hà Nội. Cũng trong năm đó, sinh viên Lê Văn Chiến và Đoàn Thị Vân Thảo (cùng lớp KSTN K57) cũng giành giải ba Olympic Kinh tế lượng và giải nhất NCKH sinh viên cấp trường đại học BKHN với đề tài "Tối ưu lợi nhuận kinh doanh sử dụng mô hình xích Markov và quy hoạch động ngẫu nhiên: Áp dụng vào công ty sửa chữa và bảo dưỡng ô tô tại Đài Loan". Năm nay, ngoài đề tài giành giải xuất sắc, nhóm 3 sinh viên Nguyễn Tiến Mạnh và Đỗ Việt Anh kết hợp cùng 3 sinh viên Viện Kinh tế quản lý cũng giành một giải khuyến khích với đề tài “Dự đoán xu hướng biến động giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán bằng thuật toán Cây quyết định Mờ”.

Theo cơ cấu giải thưởng ban đầu có 10% số đội thi giành được giải nhất. Tuy nhiên với sự xuất sắc đến từ các chàng trai Bách khoa, BGK đã quyết định giành riêng 1 giải đặc biệt duy nhất cho các thành viên đến từ liên quân Đại học Bách khoa – Học viện Tài chính. Đội đạt giải Xuất sắc giành giải thưởng tiền mặt 7.000.000 đồng, một phần quà từ nhà tài trợ là 1 đôi giày Bitis Hunter cho mỗi thành viên, và một bằng khen của Trung ương Hội sinh viên Việt Nam.

Việc ứng dụng toán học trong kinh tế học không phải là điều mới mẻ gì khi giải Nobel trong lĩnh vực kinh tế học nhiều lần thuộc về các nhà Toán học. Năm 1994, nhà toán học John Nash đã được trao giải Nobel với đề tài tiên phong phân tích về điểm cân bằng trong lý thuyết trò chơi không hợp tác. Nó đã tạo nên một cuộc cách mạng trong việc tổ chức các ngành kinh tế, đồng thời ảnh hưởng đến nhiều nhánh khác của bộ môn kinh tế học, đặc biệt là trong chính sách tiền tệ và thương mại quốc tế.

Năm 2012 hai nhà toán học Gale Shapley và Alvin Roth đã giành giải Nobel kinh tê với thuật toán Thuật toán “xe duyên”. Gale – Shapley có thể giải quyết được bài toán kinh tế truyền thống “cung và cầu gặp nhau” nhưng không cần cơ chế “giá”. Ví dụ phía cung (các trường đại học) sẽ kết duyên ổn định với phía cầu (các tân tú tài muốn học đại học) mà không cần có một cơ chế giá mua/bán.

Viện Toán ứng dụng và Tin học đào tạo hai ngành Toán Tin và Hệ thống thông tin quản lý. Hơn một nửa các học phần trong chương trình đào tạo là những môn toán ứng dụng. Viện có xu hướng đào tạo những kỹ sư có khả năng xây dựng, ứng dụng các mô hình Toán vào giải quyết các vấn đề không chỉ trong khoa học, mà còn trong kinh tế, đời sống. Sinh viên học hết năm thứ 3 có thể chọn nghiên cứu sâu hơn về các định hướng toán ứng dụng như Ngẫu nhiên, Khoa học tính toán, tối ưu. Hầu hết các chuyên ngành này đều có thể giúp nghiên cứu, giải quyết các bài toán thực tế trong kinh tế.

Các sinh viện do viện đào tạo được các ngân hàng lớn như VPBank, Techcombank, Vietinbank BIDV, các công ty bảo hiểm như Bảo Việt, VietinAviva ưu tiên tuyển dụng. Những năm gần đây các ngân hàng này thường đăng tin hoặc trực tiếp tổ chức các buổi hội thảo tuyển dụng dành riêng cho sinh viên Viện.


Đánh giá bài viết


Xem thêm