Gặp cậu sinh viên Toán Tin giỏi giang và đa tài

06/07/2018

Lê Thị Duyên (Thực hiện).

Rõ ràng bây giờ đang là mùa hè, mùa nghỉ ngơi và du lịch nhưng tớ lại khá khó khăn mới có được một cái hẹn với nhân vật của chúng ta ngày hôm nay, một chàng trai lúc nào cũng vội vã và bận rộn. Đó là một sinh viên KSTN Toán Tin với rất nhiều những thành tích nổi bật mà khiến cho tớ không thể không ngưỡng mộ. Nào cùng trò chuyện với cậu ấy nhé!

Chào Linh, dù đã quá quen nhau rồi, nhưng tớ vẫn muốn mời cậu tự giới thiệu bản thân để mọi người cùng biết.

Xin chào Duyên, chào tất cả các bạn. Mình tên là Nguyễn Hoàng Linh, hiện là sinh viên năm 3 lớp KSTN – Toán Tin K60.

Được biết là Linh luôn có kết quả học ấn tượng (CPA > 3.6), đạt giải Nhất Olympic Toán học môn giải tích, … Vậy Linh có thể chia sẻ cách học của mình không, đặc biệt là các môn toán khó nhằn như giải tích hàm, giải tích số, phương trình đạo hàm riêng …

Cách học của tớ thực ra không có quá nhiều sự khác biệt đối với các bạn. Trước khi lên lớp tớ cố gắng đọc trước kiến thức để nắm được ý tưởng của bài học, khi về thì cố gắng làm bài tập càng sớm càng tốt để không bị quên đi kiến thức, bài giảng của thầy cô. Mỗi khi làm bài tập xong thì dành 1 chút thời gian ngẫm lại để nắm rõ cái tư duy, tư tưởng của môn học, thay vì chỉ học cách làm bài tập để thi qua môn. Như vậy mình sẽ không phải học quá nhiều, đặc biệt là vào mùa thi. Đối với bài tập lớn, đồ án môn học, tớ thường bắt đầu làm từ rất sớm để đảm bảo chất lượng.

Có nhiều ý kiến cho rằng, ở đại học điểm số không quan trọng, Linh nghĩ gì về ý kiến đó, theo cậu thì điểm số có ý nghĩa, vai trò như thế nào đối với sinh viên và với sự nghiệp sau này của họ.

Nói riêng về điểm số, thì nó hiển nhiên quan trọng, nhưng cũng chỉ ở một vài khía cạnh của cả một vấn đề lớn. Hoàn toàn bỏ qua điểm số cũng như quá xem trọng điểm số cũng là sai lầm. Theo tớ thì điểm số, chí ít là điểm số ở trường Bách Khoa có vai trò gây ấn tượng ban đầu với nhà tuyển dụng và chứng tỏ người ứng tuyển có khả năng học hỏi, tính cần cù chịu khó và cơ sở kiến thức vững chắc. Đối với những bạn có mục tiêu du học thì điểm số lại càng quan trọng. Hơn nữa điểm số chỉ bắt đầu không quan trọng, nếu như chúng ta đã được đủ điểm. Không thể nói là không có sự khác biệt giữa bạn bằng khá và bạn bằng giỏi, ít nhất trong trường Bách Khoa, trong lĩnh vực kỹ thuật. Nhưng với những bạn bằng giỏi trở lên so sánh với nhau, sự khác biệt là không nhiều, nhất là mỗi người lại có những mục đích phấn đấu khác nhau, làm việc trong các lĩnh vực khác nhau. Đấy là nói về điểm số khi sắp ra trường hoặc mới ra trường.

Nhiều năm sau này trong sự nghiệp khi mà kinh nghiệm và thành quả làm việc là những yếu tố quan trọng hơn thì điểm số, bằng cấp vẫn là một yếu tố có thể nhìn vào để đánh giá. Việc học tập tốt ở trường cũng không là thừa, vì mình còn cần đến kiến thức đó, hoặc chung hơn là tư tưởng, tư duy của những môn học. Nếu điểm số thực sự không quan trọng thì thế giới đã bỏ việc đánh giá kết quả học tập từ lâu.

Khi so sánh một bên là điểm số, một bên là kinh nghiệm thực tế, sự năng động, kỹ năng mềm, theo quan điểm của tớ thì 2 bên không nhất thiết là đối nghịch nhau, phải đánh đổi bên này để có bên kia. Bằng chứng là vẫn rất nhiều các bạn sinh viên từ khắp các trường, không chỉ Bách Khoa, học giỏi lại có những thành tích ngoại khóa rất khủng, đi làm, đi thực tập từ năm 3, năm 4 mà điểm ở trên lớp vẫn cao. Điểm học tập tốt cũng chính là tiền đề, những thuận lợi để bạn được cái gật đầu cho phép tham gia thực tập của doanh nghiệp. Nếu có thể thì mình nên tìm đến một sự cân đối, gửi tới phần đông các bạn sinh viên là như thế.

Bên cạnh kết quả cao ở những môn chuyên ngành, thì tiếng Anh của Linh cũng cực ấn tượng khi mà thi Toeic nội bộ ở trường đạt 980/990. Vậy Linh đã học tiếng Anh từ khi nào, và làm sao để đạt được một kết quả khủng như thế?

Tớ bắt đầu chú tâm học tiếng Anh từ những năm phổ thông. Kết quả thi tiếng Anh tớ chưa dám tự tin là cao, vì chứng chỉ TOEIC nội bộ cũng không có nhiều giá trị khi so sánh với những chứng chỉ khác. Về phương pháp học, tớ được chỉ dạy một số kỹ năng cơ bản từ anh trai, vốn là thủ khoa ngành ngôn ngữ Anh của Học viện Ngân hàng. Nên bắt đầu từ những kỹ năng nghe, phát âm một cách có hệ thống. Chẳng hạn như khi phát âm phải biết rõ mình nói lên những cấu trúc âm như thế nào, phải biết cách đọc phiên âm trong từ điển, chứ không nên chỉ lặp lại như tai mình nghe được. Một khi đã luyện được những kỹ năng cơ bản đó mình sẽ có tư duy và phản xạ nhanh nhạy hơn, qua đó tích lũy được vốn tiếng Anh theo thời gian khi mình chỉ cần có va chạm, tiếp xúc là tiếp thu được chứ không cần phải giở hẳn sách ra học. Còn đối với các kỳ thi, để có kết quả cao thì tất nhiên chúng ta phải ôn luyện, làm đề và chuẩn bị tinh thần thật tốt.

Với thành tích học tập tốt như thế, nhất định là cậu đã được nhận nhiều cơ hội học bổng?

May mắn là như vậy. Tớ cũng từng được các loại học bổng như:

  • Học bổng của Hội Cựu sinh viên Toán Bách Khoa, năm học 2016 – 2017.
  • Học bổng Trọng điểm Quốc gia Phát triển Toán học của Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, 2 năm học 2016 – 2017 và 2017 – 2018.
  • Học bổng khuyến khích học tập loại B và A của Trường Đại học Bách Khoa trong các kỳ của 2 năm học 2015 – 2016 và 2016 - 2017.
  • Học bổng khuyến khích tài năng toàn phần năm học 2017 – 2018 của Trường Đại học Bách Khoa.

Ngoài thành tích học tập suất sắc ra thì được biết là cậu cũng rất đa di năng khi tham gia rất nhiều hoạt động Đoàn-Hội, văn nghệ như: Trưởng ban học tập ở LCĐ Viện Toán Ứng dụng và Tin học, tham gia MIC club, lớp trưởng của FYT, hoạt động tích cực ở mảng truyền thông của Viện,... với nhiều tài lẻ như biết chơi đàn guitar, piano, làm thơ,... Những trải nghiệm mà cậu có được khi tham gia những hoạt động đó là gì? Linh có thể chia sẻ một số kỉ niệm đáng nhớ của mình không?

Những hoạt động đó quả thực đã cho tớ có một thời sinh viên vô cùng vui vẻ, năng động. Tại đó tớ được thoải mái thể hiện sự nhiệt huyết, mang lại những phút giây giải trí sau những giờ học căng thẳng, mặc dù đôi khi cũng hơi mệt mỏi vì những trách nhiệm đi kèm ở những hoạt động mà mình nắm vai trò quan trọng. Đặc biệt là có rất nhiều kỷ niệm, vui có buồn có, nhưng tất cả đều đẹp. Có thể kể tới hôm thức khuya tới 4h sáng để làm trại kỷ niệm 60 năm, những khi du ca bờ hồ, khi được ngồi bàn tư vấn tuyển sinh trong Bách Khoa Open Day tớ đã mặc áo sơ mi, quần âu và giầy âu, ai tới nói chuyện cũng gọi thầy, những chuyến đi chơi với FYT, với LCĐ, mang cả cân bụi vào người mà vui hết chỗ nói.

Nhắc lại một chút thì năm nhất Linh có chuyển từ hệ thường sang hệ KSTN và hồi đó cậu còn làm lớp trưởng nữa. Tớ được biết là Linh đã có cái nền rất tốt từ thời THPT rồi, vậy tại sao cậu lại không thi vào hệ KSTN ngay từ đợt tuyển đầu? Theo cậu thì giữa hệ thường và hệ KSTN khác nhau như thế nào, và điểm mạnh yếu của mỗi hệ là gì? Việc làm lớp trưởng có phải là một trải nghiệm quý giá đối với cậu không?

Nói có lẽ nhiều người ngạc nhiên nhưng ngay khi vào trường Bách Khoa tớ hụt thi lớp tài năng. Và đó là một trong những thất bại đầu đời, tất nhiên chưa đủ để đánh gục mình. Sau đó thì tớ đã cố gắng học tập đạt kết quả tốt nhất có thể, để trong đợt xét tuyển bổ sung được chọn. Đó cũng là 1 điều may mắn vì đợt bổ sung này không phải năm nào cũng có.

Giữa hệ thường và hệ KSTN thì không phủ nhận KSTN có một số điểm đáng chú ý hơn là nội dung các môn học thường đào sâu tới bản chất, mở rộng và có yêu cầu cao hơn so với các môn học ở hệ thường. Một điểm nữa là uy tín, danh tiếng vốn có của chương trình KSTN, tuy nhiên nó cũng có thể là con dao 2 lưỡi. Theo tớ thì điểm mạnh rõ rệt nhất của hệ tài năng chỉ là môi trường, những người học trong hệ tài năng thông thường đều là những người có kiến thức tốt, có hoài bão cho tương lai, thể hiện qua nỗ lực học tập.

Về trải nghiệm làm lớp trưởng hồi năm nhất, tớ đã khá ngạc nhiên khi sự liên kết giữa các thành viên trong lớp không được như hồi cấp 3 nữa. Cũng phải thôi vì khi lên Đại học mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, ngoài ra những mối lo về nhà cửa, tiền nong đối với sinh viên đi học xa nhà cũng là 1 rào cản trong việc hòa đồng. Tớ chỉ cố gắng làm gương tốt hết sức có thể bằng cách học tập tốt và tích cực tham gia phong trào. Đến bây giờ thì nhiều khi các bạn vẫn gọi bằng lớp trưởng, dù là đã có lớp trưởng khác, đôi khi cũng vui.

Tại sao Linh lại chọn Toán Tin để làm điểm đến của mình? Sau 3 năm học tập thì cậu nghĩ đó có phải là một quyết định đúng đắn hay không? Việc là một sinh viên Toán Tin cho Linh những điều gì?

Học Toán Tin là một cách rất tốt để vừa nắm vững kiến thức nền tảng toán học, vừa có hiểu biết về khoa học công nghệ trong thời hiện đại. Hiện nay, ở Việt Nam có lẽ là khoa học cơ bản đang bị xem nhẹ, hơi ngược lại so với thế giới, thì Toán Tin là lựa chọn dung hòa giữa lý thuyết và ứng dụng, vô cùng linh hoạt. Sau 3 năm nhìn lại thì tớ càng ngày càng hài lòng với lựa chọn của mình vì môi trường học tập, vì thầy cô rất nhiệt tình, vì những kiến thức thu nạp được tỏ ra rất thiết thực trong công việc.

Các sĩ tử 2000 vừa trải qua kì thi THPT, cậu có lời khuyên gì cho các em trong việc lựa chọn trường, ngành cho mình không?

Ngay bây giờ các em nên bình tĩnh, chờ đợi điểm và phổ điểm, tham khảo kĩ điểm chuẩn các năm để có cho mình sự lựa chọn phù hợp nhất. Không nên quá lo lắng, đặc biệt không ai có thể dự đoán được điểm chuẩn ngành này trường này, chính vì thế không cần hỏi mất công lại thêm hoang mang.

Đối với những bạn sĩ tử đã có cho mình định hướng, đam mê, thì rất tuyệt vời rồi. Nhưng đa số bây giờ thì vô cùng lo lắng, chịu nhiều ảnh hưởng từ gia đình, bạn bè, xã hội. Đối với những bạn đó thì tớ xin gửi một vài lời như thế này.

  • Thứ nhất, chọn ngành chứ không chọn trường. Không nên vì một cái mác trường danh tiếng mà cố gắng theo đuổi một ngành học mình không thích.
  • Thứ hai, khi nghe tư vấn từ các nguồn, kể cả là người thân trong gia đình, không nên nghe những ý kiến phiếm diện, những ý kiến chỉ chê bai hoặc chỉ tâng bốc. Nếu có thể, hãy tìm đọc những con số thống kê (lương, tỉ lệ có việc làm, cơ hội phát triển, lĩnh vực làm việc …), hỏi người trong cuộc, lên các diễn đàn của các trường Đại học sẽ có các anh chị trong ngành, những thầy cô tư vấn cho các bạn.

Linh đã đi làm và thực tập ở đâu chưa, và điều đó cho Linh những kinh nghiệm, bài học gì? Theo cậu thì sinh viên có nên đi làm sớm không?

Tính tới hiện tại thì tớ đã làm tổng cộng là 3 công việc ở 3 nơi khác nhau (có lẽ là hơi tham lam). Điều quan trọng nhất mà tớ đã học được là thái độ làm việc ở nơi doanh nghiệp, những bài toán thực tế đặt ra cần giải quyết cho doanh nghiệp (nó không quá cách xa lý thuyết được học ở trường), mở mang tầm mắt về lĩnh vực công nghệ trong giai đoạn hiện hành. Tất nhiên không thể thiếu đó là kinh nghiệm với những dự án thực tế.

Sinh viên nên đi làm sớm nếu có khả năng và thời gian. Ít nhất là để khi ra trường đã có trong tay những kinh nghiệm thực tế. Có thể chỉ là vài tháng, trong hè. Tất nhiên là với sinh viên mới ra trường, yêu cầu sẽ không cao nhưng không thể hỏi đến cái gì cũng không biết. Tuy nhiên cũng phải nói, cái nhìn của tớ có thể không khách quan hoàn toàn, vì xung quanh trong lớp cũng toàn những bạn năng động, đã đi làm từ năm 2, năm 3.  Rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bây giờ cũng có những chính sách rất cởi mở và chào đón sinh viên thực tập, nên cơ hội không thiếu, chỉ thiếu người nắm bắt.

Học giỏi, đa năng lại còn bảnh bao nữa, hẳn Linh được rất nhiều bạn nữ yêu mến rồi, chắc các bạn ý cũng như tớ muốn biết là Linh đã có người thương chưa thế?

Duyên làm tớ phổng mũi đấy. Thực ra tớ cũng từng có những cô gái mình để ý và có những câu chuyện về các bạn ấy (mà tớ sẽ giữ cho riêng mình), nhưng cuối cùng vẫn chưa gặp may mắn trong chuyện tình cảm. Hiện tại thì tớ chỉ tập trung cho việc học tập, nghiên cứu và thực tập thôi.

Sắp tới thì dự định của cậu là gì, dự định trong 5 năm tới nhé =))))

Câu hỏi này lúc trước khi vào trường thì là tốt nghiệp với tấm bằng giỏi, giành được một suất học bổng du học sang Mỹ hoặc Châu Âu, nhưng bây giờ là năm thứ 3 rồi, chắc tớ sẽ sửa lại là đi du học, về nước và bắt đầu một công việc. Ngay trong 1 năm trước mắt thì là hoàn thiện các đề tài nghiên cứu khoa học còn dở dang và chuẩn bị cho hội thi Sinh viên Nghiên cứu Khoa học năm sau.

Cảm ơn những thông tin thú vị mà Linh đã chia sẻ! Chúc cậu luôn dồi dào sức khỏe, tràn đầy nhiệt huyết và sớm đạt được những ước mơ của mình!

 

Chương trình đào tạo KSTN Toán Tin dành cho những sinh viên ưu tú, đam mê toán học và tin học. Chương trình hướng tới việc rèn luyện cho sinh viên tư duy chính xác của toán học, tư duy thuật toán, phương pháp tiếp cận khoa học với các vấn đề nảy sinh từ thực tế, khả năng thích ứng nhanh chóng với sự phát triển của khoa học - công nghệ. Sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành chuyên sâu về tin học, toán học toán ứng dụng để có thể giải quyết nhiều vấn đề về toán tài chính, tin sinh học, thống kê ứng dụng, quản trị dữ liệu lớn, bảo mật và an toàn hệ thống,… trong các ngành kỹ thuật, kinh tế và xã hội. Cơ hội việc làm rất tốt, có thể trở thành chuyên viên nghiên cứu và phát triển, chuyên viên phát triển phần mềm, có thể là chuyên viên phân tích, ứng dụng toán học và công nghệ thông tin trong các ngân hàng, tập đoàn tài chính, kinh tế, công nghệ..., có thể trở thành giảng viên, nghiên cứu viên về Toán Tin.

Sau khi tốt nghiệp đại học, không chỉ cơ hội việc làm rộng mở, mà cơ hội du học sau đại học cũng rất cao. Có khả năng học lên bậc Thạc sỹ, Tiến sĩ về Toán Tin và các ngành gần với Toán Tin, như Toán học, Toán ứng dụng, Tin học/Khoa học máy tính, An toàn thông tin, Hệ thống thông tin quản lý,… cũng như một số ngành khối Kinh tế, Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm, ..


Đánh giá bài viết


Xem thêm