III- Mô tả tóm tắt các học phần CTĐT Cử nhân Hệ thống thông tin quản lý

MI3010        Toán rời rạc

3(3-1-0-6)

Học phần học trước: MI1140/MI1030  Đại số

Mục tiêu: Học phần này nhằm giới thiệu các kiến thức cơ bản có nhiều ứng dụng của toán rời rạc là lý thuyết tổ hợp và lý thuyết đồ thị. Những kiến thức rất quan trọng để xử lý thông tin trên máy tính mà bản chất là các quá trình rời rạc.

Nội dung: Học phần được chia làm hai phần. Lý thuyết tổ hợp là nội dung chính của phần I với các khái niệm cơ bản như tập hợp, ánh xạ và bốn bài toán cơ bản trong lý thuyết tổ hợp. Trong phần II, sinh viên sẽ được giới thiệu những kiến thức của lý thuyết đồ thị và các ứng dụng.

 

MI2020        Xác suất Thống kê

3(2-2-0-6)

Học phần học trước: MI1110/MI1010 Giải tích I, MI1120/MI1020 Giải tích II

Mục tiêu: Sinh viên cần nắm vững các phương pháp cơ bản được sử dụng để nghiên cứu các quy luật xác suất, từ đó giúp sinh viên hình thành và phát triển khả năng phân tích và xử lý một số bài toán trong thực tế.

Nội dung:Sự kiện và phép tính xác suất, biến ngẫu nhiên 1 chiều và các phân phối xác suất thông dụng, biến ngẫu nhiên 2 chiều, thống kê ước lượng tham số và bài toán kiểm định.

MI2001        Nhập môn HTTT QL

3(2-0-2-6)

Học phần học trước:

Mục tiêu: Học phần này giúp sinh viên: i) Nắm vững các khái niệm về hệ thống, hệ thống thông tin và hệ thống thông tin quản lý; ii)Hiểu rõ về lĩnh vực HTTT QL, các ngành nghề có liên quan và yêu cầu công việc sau này. Học phần bước đầu giúp sinh viên tiếp cận với một một số bài toán thực tế, học phương pháp giải quyết vấn đề, học phương pháp làm việc theo nhóm.

Nội dung: Hệ thống, hệ thống thông tin và hệ thống thông tin quản lý; Các ngành nghề có liên quan; Các yêu cầu kỹ năng, công việc sau này. Nội dung của học phần bao gồm: giờ giảng dạy hoặc thảo luận trên lớp với các chuyên đề: giới thiệu ngành nghề, giới thiệu chương trình đào tạo, kỹ năng viết báo cáo, kỹ năng trình bày, kỹ năng làm việc theo nhóm…; giờ thực hiện đề tài theo nhóm; bảo vệ đề tài.

 

MI3310        Kỹ thuật lập trình

2(2-0-1-4)

Học phần học trước:

Mục tiêu: Học phần trang bị cho sinh viên các kỹ năng viết chương trình máy tính theo phương pháp có cấu trúc. Các kỹ năng này bao gồm các nguyên lý, các kỹ thuật tổ chức chương trình, kỹ thuật vào ra và các kỹ thuật sử dụng các cấu trúc dữ liệu cơ bản.

Nội dung: Các nguyên lý của lập trình cấu trúc như: nguyên lý lệnh – lệnh có cấu trúc – cấu trúc dữ liệu; nguyên lý tối thiểu; nguyên lý địa phương; nguyên lý an toàn; nguyên lý nhất quán; nguyên lý top-down; nguyên lý bottom-up. Kỹ thuật xác định hàm, thủ tục; kỹ thuật tổ chức chương trình, hàm, thủ tục có cấu trúc, dễ đọc, dễ hiểu, dễ bảo trì và dễ sử dụng lại. Kỹ thuật xác định tham số, giá trị trả ra của hàm. Kỹ thuật đệ quy và giải đệ quy. Kỹ thuật vào ra: vào ra từ bàn phím/màn hình và từ file. Các kiểu file dữ liệu, kỹ thuật tổ chức, sử dụng file dữ liệu. Kỹ thuật sử dụng các cấu trúc dữ liệu cơ bản: mảng, chuỗi, con trỏ. Kỹ thuật sử dụng các cấu trúc dữ liệu nâng cao: danh sách móc nối, hàng đợi, ngăn xếp, cây, đồ thị. Kỹ thuật sắp xếp và tìm kiếm. Kỹ thuật bắt và xử lý lỗi.

 

MI3370        Hệ điều hành

2(2-1-0-4)

Học phần học trước: IT1110/IT1010 Tin học đại cương

Mục tiêu: Môn học cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về hệ điều hành nói chung, HĐH mã nguồn mở Linux nói riêng và một số phần mềm ứng dụng mã nguồn mở thông dụng.

Nội dung: Học phần gồm 2 phần chính. Phần 1 đề cập đến các kiến trúc, cơ sở chung của hệ điều hành: quản lý tiến trình, bộ nhớ, vào ra. Phần 2 trình bày về phần mềm mã nguồn mở và hệ điều hành Linux.

 

MI3060        Cấu trúc dữ liệu và giải thuật

3(3-1-0-6)

Học phần học trước: IT1110/IT1010 Tin học đại cương

Mục tiêu:  Trang bị cho sinh viên các kỹ năng:

  • Lựa chọn, cài đặt một cấu trúc dữ liệu phù hợp để biểu diễn dữ liệu của bài toán cụ thể vào máy tính;
  • Nắm được các thuật toán cơ bản tương ứng với từng cấu trúc dữ liệu phù hợp để xây dựng chương trình giải các bài toán thực tế và xây dựng một số thuật toán cho một số bài toán nảy sinh từ thực tế;
  • So sánh sự tối ưu về bộ nhớ và thời gian chạy máy của các thuật toán trên các cấu trúc dữ liệu khác nhau đối với cùng một bài toán cụ thể;
  • Lựa chọn một môi trường lập trình phù hợp.

Nội dung: Giải thuật; các cấu trúc dữ liệu cơ bản: mảng, danh sách, cây, đồ thị; sắp xếp; tìm kiếm.

 

MI3090        Cơ sở dữ liệu

3(3-1-0-6)

Học phần học trước: IT1110/IT1010 Tin học đại cương

Mục tiêu: Học phần này trang bị cho sinh viên một số kiến thức cơ bản về nguyên lý các hệ cơ sở dữ liệu (CSDL), tập trung chủ yếu vào mô hình dữ liệu quan hệ; có khả năng thiết kế và xây dựng hệ cơ sở dữ liệu đáp ứng tốt yêu cầu nghiệp vụ của một bài toán quản lý trong thực tiễn.

Nội dung:Tổng quan về  các hệ cơ sở dữ liệu. Mô hình quan hệ cho cơ sở dữ liệu. Ngôn ngữ truy vấn dữ liệu. Mô hình thực thể liên kết và một phương pháp thiết kế cơ sở dữ liệu quan hệ. Lý thuyết thiết kế cơ sở dữ liệu quan hệ. Tổ chức dữ liệu vật lý.

 

MI3130        Toán kinh tế

3(3-1-0-6)

Học phần học trước: MI1140/MI1030  Đại số, MI1120/MI1020 Giải tích II

Mục tiêu:Học phần cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về toán học để giải quyết các bài toán nảy sinh trong  lĩnh vực kinh tế, quản lý. Học phần cũng trang bị cho sinh viên cách mô hình hóa một bài toán kinh tế, sau đó sừ dụng kiến thức toán học và/hoặc phần mềm để hỗ trợ ra quyết định.

Nội dung: Học phần giới thiệu một số mô hình bài toán kinh tế và các phương pháp toán học để giải chúng: Bài toán quy hoạch tuyến tính; Bài toán vận tải; Mô hình cân đối liên ngành;  Lý thuyết quản lý dự trữ. Học phần cũng hướng dẫn sinh viên sử dụng phần mềm Micorosoft Excel để giải quyết các bài toán kinh tế.

 

MI3380        Đồ án I

3(0-0-6-6)

Học phần học trước: MI3010 Toán rời rạc, MI2020 Xác suất Thống kê, MI3060 Cấu trúc dữ liệu và Giải thuật,  MI3090 Cơ sở dữ liệu

Mục tiêu: Rèn luyện cho sinh viên khả năng nghiên cứu, kỹ năng viết báo cáo khoa học.

Nội dung: Mỗi sinh viên được thầy hướng dẫn giao một vấn đề cụ thể thuộc một trong các định hướng chuyên ngành hẹp. Sinh viên có nhiệm vụ đọc hiểu và trình bày vấn đề được giao theo hiểu biết của mình.

 

MI3031        Suy luận thống kê

3(2-2-0-6)

Học phần học trước: MI2020 Xác suất thống kê

Mục tiêu: Học phần trang bị những kiến thức cơ bản về mẫu, cách thu thập dữ liệu, phân tích thống kê mô tả, phân tích thống kê suy diễn, dự báo dựa trên số liệu thống kê trong kinh tế. Sau khi hoàn thành học phần này, sinh viên sẽ có thể: biết cách biểu diễn, mô tả tập dữ liệu thống kê bằng bảng tần suất, đồ thị và các đại lượng đặc trưng; thực hành mô hình hoá các bài toán thực tế trong kinh tế bằng các phân phối xác suất và các đặc trưng của chúng; thực hành và áp dụng được cách đặt các giả thuyết cần kiểm định cho một và hai mẫu; thực hiện được các phân tích. Sinh viên nắm được cách sử dụng phần mềm thống kê R.

Nội dung: Học phần gồm các nội dung chính sau: Giới thiệu chung về thống kê; Thực hành mô hình hoá các bài toán thực tế trong kinh tế bằng các phân phối xác suất và các đặc trưng của chúng; Thực hành và áp dụng được cách đặt các giả thuyết cần kiểm định cho một và hai mẫu; Thực hiện được các phân tích tương quan và hồi quy đơn biến và đa biến; Kiểm định phi tham số trong việc kiểm định tính phù hợp của mô hình; Phân tích phương sai (ANOVA); Thực hành phân tích mô hình chuỗi thời gian.

 

MI3120        Phân tích và thiết kế hệ thống

3(2-2-0-6)

Học phần học trước: MI3090 Cơ sở dữ liệu

Mục tiêu: Học phần này nhằm trang bị các kiến thức cơ bản về phân tích và thiết kế một hệ thống thông tin giúp sinh viên có khả năng đọc được bản phân tích thiết kế có sẵn từ đó xây dựng được chương trình theo đúng yêu cầu đặt ra; hay có thể phân tích và thiết kế được các hệ thống thông tin quản lý trong thực tế.

     Nội dung: Học phần được chia làm 5 chương. Chương I giới thiệu những vấn đề cơ bản trong phát triển hệ thống thông tin (HTTT). Chương II giới thiệu các bước khởi tạo lập kế hoạch hệ thống. Chương 3 giới thiệu cách phân tích  hệ thống. Chương IV giới thiệu nội dung thiết kế hệ thống. Chương cuối cùng giới thiệu một số HTTT trong thực tế.

MI4060        Hệ thống và mạng máy tính

3(2-1-1-6)

Học phần học trước: MI3370 Hệ điều hành

Mục tiêu: Môn học cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về mạng máy tính và Internet.

Nội dung: Tổng quan về hệ thống và mạng máy tính, tầng vật lý trong mô hình tham chiếu OSI, liên kết dữ liệu, tầng mạng, tầng giao vận, tầng phiên, tầng trình diễn, mạng cục bộ LAN, mạng INTERNET.

MI3390        Đồ án II

3(0-0-6-6)

Học phần học trước: MI3380 Đồ án I

Mục tiêu: Rèn luyện cho sinh viên khả năng nghiên cứu, kỹ năng viết báo cáo khoa học.

Nội dung:Mỗi sinh viên được thầy hướng dẫn giao một vấn đề cụ thể thuộc một trong các định hướng chuyên ngành hẹp. Sinh viên có nhiệm vụ đọc hiểu và trình bày vấn đề, bước đầu làm quen với việc nghiên cứu khoa học.

 

MI4260        An toàn HTTT

3(3-1-0-6)

Học phần học trước: MI4060 Hệ thống và mạng máy tính

Mục tiêu:Sinh viên nắm được tiếp cận một cách hệ thống về an ninh thông tin; những kiến thức cơ bản về an toàn và bảo mật thông tin trên hệ thống máy tính, kiến thức về mật mã và an toàn mạng; hiểu biết về các nguy cơ an ninh thông tin; các biện pháp ngăn ngừa.

Nội dung: Các kiến thức cơ sở an ninh thông tin; Mối quan hệ với hệ thống thông tin, hệ điều hành, mạng máy tính, bảo mật; Chính sách bảo mật và an toàn dữ liệu; Các rủi ro đối với ứng dụng web và biện pháp phòng chống.

EM3109       Kinh tế học đại cương

4(3-2-0-8)

Học phần học trước:

Mục tiêu: Học phần Kinh tế học đại cương giúp cho người học làm quen với những kiến thức cơ bản về hoạt động của nền kinh tế thị trường, về cơ chế tự cân bằng và những thất bại của thị trường; hiểu được các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và khả năng tác động của chính phủ vào nền kinh tế để có được lợi ích tốt nhất cho xã hội. Sau khi hoàn thành học phần này, yêu cầu sinh viên có khả năng hiểu được những đặc điểm cơ bản của nền kinh tế thị trường; hiểu được các chỉ tiêu đo lường phát triển kinh tế và các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trong ngắn hạn, dài hạn; hiểu được sự cần thiết và khả năng tác động của nhà nước vào nền kinh tế bằng các chính sách tài chính, tiền tệ, xuất nhập khẩu,…

Nội dung: Hoạt động của nền kinh tế và khái niệm kinh tế học; thị trường và mô hình cung – cầu; các đại lượng cơ bản của kinh tế vĩ mô; các mô hình số nhân, IS-LM, AD-AS và phân tích tác động của các chính sách tài chính, tiền tệ.

 

EM2104       Quản trị doanh nghiệp

2(2-1-0-4)

Học phần học trước:

Mục tiêu: Học phần nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về quá trình kinh doanh, doanh nghiệp, hiểu biết khái quát về các hoạt động quản trị chiến lược và chức năng trong doanh nghiệp, làm nền tảng để học các môn chuyên ngành về kinh doanh, kinh tế và quản lý sau này. Sau khi hoàn thành học phần này, sinh viên sẽ có thể: (1) nêu được định nghĩa và vai trò của kinh doanh; (2) mô tả được các nội dung chính trong quá trình quản trị kinh doanh; (3) trình bày được ưu nhược điểm của loại hình doanh nghiệp; (4) phân tích được các nhân tố ảnh hưởng bên trong và bên ngoài tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. (5) trình bày được các nội dung chính của các mảng quản trị trong doanh nghiệp (chiến lược, marketing, sản xuất, nhân lực, hệ thống thông tin, kế toán và quản trị chi phí và tài chính); và (6) biết cách phân tích và một số bài toán kinh tế đơn giản trong doanh nghiệp.

Nội dung: Học phần bao gồm: (1) tổng quan về quản trị kinh doanh;  (2) quản trị chiến lược, (3) quản trị marketing; (4) quản trị sản xuất; (5) quản trị nhân lực;  (6) hệ thống thông tin quản lý; (7) kế toán doanh nghiệp, quản trị chi phí và giá thành; và (8) quản trị tài chính.

 

EM3210       Marketing cơ bản

3(3-1-0-6)

Học phần học trước: EM3100/hoặc EM3109

Mục tiêu: Học phần nhằm cung cấp những khái niệm cơ bản về marketing, vai trò của marketing đối với cá nhân và tổ chức hoạt động trong cơ chế thị trường và những quyết định chính của marketing trong doanh nghiệp. Sau khi hoàn thành học phần này, sinh viên sẽ có thể: (1) mô tả được các công việc marketing cần làm và vai trò của marketing trong một tổ chức kinh doanh, phân biệt được hoạt động marketing với hoạt động tiêu thụ sản phẩm; (2) trình bày được tiến trình chung của hoạt động marketing trong doanh nghiệp: phân tích môi trường vĩ mô, nghiên cứu thị trường, phân tích đối thủ cạnh tranh, phân khúc thị trường, lựa chọn thị trường mục tiêu, xây dựng các chiến lược và chương trình marketing-mix; (3) kể tên và mô tả được các nhóm tiêu chí thường sử dụng trong phân khúc thị trường người tiêu dùng và khách hàng tổ chức; (4) diễn giải được ưu và nhược điểm của các chiến lược lựa chọn thị trường mục tiêu: chiến lược marketing không phân biệt, marketing phân biệt và marketing tập trung; (5) trình bày được các nội dung của các chính sách marketing-mix trong doanh nghiệp: chính sách sản phẩm, giá bán, kênh phân phối và truyền thông marketing; và (6) so sánh được các kiểu chiến lược marketing-mix đối với những loại sản phẩm khác nhau và điều kiện thị trường khác nhau.

Nội dung: Học phần bao gồm: (1) tổng quan về marketing; (2) hệ thống thông tin marketing và nghiên cứu thị trường; (3) môi trường marketing của doanh nghiệp; (4) hành vi mua của khách hàng; (5) phân khúc, lựa chọn thị trường mục tiêu và định vị; (6) quyết định về sản phẩm; (7) quyết định về giá; (8) quyết định về phân phối; và (9) quyết định về truyền thông marketing.

EM4527       Kế toán doanh nghiệp (BTL)

3(2-2-0-6)

Học phần học trước: EM3100 hoặc EM3109 Kinh tế học đại cương

Mục tiêu: Trang bị cho người học các kiến thức và kỹ năng cần thiết để vận dụng các nguyên tắc và phương pháp kế toán vào việc tính toán và ghi chép các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh của doanh nghiệp; đồng thời biết cách lập báo cáo tài chính cho doanh nghiệp. Sau khi hoàn thành học phần này, sinh viên sẽ có thể: (1) Hạch toán được các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất kinh doanh thông thường (vật tư, tài sản cố định, nhân công); (2) Phân biệt các loại chi phí sản xuất, tính toán được giá thành sản phẩm và biết cách hạch toán chi phi, giá thành; (3) Hạch toán được doanh thu và xác định kết quả tiêu thụ; (4) Lập được báo cáo tài chính cho doanh nghiệp sản xuất.

Nội dung: Trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng cơ bản về các phương pháp kế toán đối với các đối tượng kế toán chủ yếu bao gồm: Kế toán vật tư, hàng hóa; Kế toán tài sản có định và bất động sản đầu tư; Kế toán tiền lương và các khoản trích theo lương; Kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm; Kế toán tiêu thụ, xác định kết quả kinh doanh; Báo cáo tài chính.

EM4418       Quản trị sản xuất (BTL)

3(2-2-0-6)

Học phần học trước: EM3100 hoặc EM3109 Kinh tế học đại cương

Mục tiêu: Cung cấp kiến thức cơ bản và hiện đại về quản lý sản xuất trong các doanh nghiệp- quản lý tất cả các hoạt động liên quan đến quá trình tạo ra sản phẩm và dịch vụ trong các doanh nghiệp. Sau khi hoàn thành học phần này, sinh viên sẽ có thể: ứng dụng được các phương pháp, các mô hình định lượng được trang bị để giải quyết các vấn đề khác nhau của quản trị tác nghiệp thông qua các bài tập đi kèm và bài tập lớn.

Nội dung: Học phần sẽ cung cấp những nền tảng lý thuyết quan trọng về hệ thống sản xuất, những vấn đề chính của quản trị tác nghiệp và những phương pháp, công cụ phân tích, tính toán định lượng và định tính để giúp giải quyết những vấn đề đó.

 

MI4020        Phân tích số liệu

3(3-1-0-6)

Học phần học trước: MI2020 Xác suất Thống kê, MI1140/MI1030 Đại số

Mục tiêu:  Cung cấp cho sinh viên công cụ thống kê nhiều chiều nhằm xử lý các số liệu thực tế phức tạp trong kinh tế – xã hội. Các công cụ này, là mở rộng tự nhiên của thống kê cổ điển, có thể sử dụng với nhiều mục đích như chiết xuất thông tin, khai phá dữ  liệu, dự báo, mô hình hóa… trong nhiều bài toán khoa học, kỹ thuật, kinh tế…

Nội dung:Thống kê nhiều chiều, xử lý số liệu, miền tin cậy, khoảng tin cậy đồng thời, phân tích phương sai, mô hình hồi quy tuyến tính nhiều chiều, phân tích thành phần chính, phân tích nhân tố trực giao, phân tích phân biệt…

 

MI4140        Cơ sở dữ liệu nâng cao

3(3-1-0-6)

Học phần học trước: MI3090 Cơ sở dữ liệu

Mục tiêu: Rèn luyện cho sinh viên kỹ năng thiết kế cơ sở dữ liệu (CSDL) và sử dụng hệ quản trị cơ sở dữ liệu để xây dựng chương trình ứng dụng cho bài toán quản lý thực tế. Cung cấp cho sinh viên những hiểu biết về một số chủ đề chuyên sâu về hệ CSDL tập trung và các hệ CSDL nâng cao;

Nội dung: Truy vấn SQL nâng cao;  Quản trị cơ sở dữ liệu; Thủ tục lưu trữ; Lập trình với các hệ CSDL; Các hệ CSDL NoSQL; Quản lý giao tác; Điều khiển tương tranh; Hệ CSDL phân tán; Hệ CSDL song song; Sơ lược về Kho dữ liệu và Khai phá dữ liệu; Dữ liệu lớn (Big Data).

 

MI4202        Khai phá dữ liệu

3(3-1-0-6)

Học phần học trước: MI3090 Cơ sở dữ liệu

Mục tiêu: Học phần cung cấp cho sinh viên các công cụ, quy trình và kỹ thuật cơ bản của khai phá dữ liệu, nhằm tìm kiếm thông tin và thu nhận tri thức từ hệ cơ sở dữ liệu thực tế. Sinh viên hiểu được vai trò của tri thức trong tổ chức; Phân biệt được phương pháp khai phá dữ liệu với các phương pháp xử lý dữ liệu truyền thống; Hiểu và vận dụng được các phương pháp hiểu dữ liệu, các bài toán và các phương pháp tiền xử lý, các thuật toán khai phá dữ liệu điển hình.

Nội dung:.Học phần gồm các nội dung cơ bản sau: Cơ sở dữ liệu; Công nghệ tri thức và phát hiện tri thức từ dữ liệu; Hiểu dữ liệu và tiền xử lý dữ liệu; Phân lớp; Phân cụm; Hệ tri thức; Học máy. Học phần sẽ rất thuận lợi nếu học viên có kiến thức ban đầu về thống kê, học máy, trí tuệ nhân tạo hoặc nhận dạng.

 

MI4212        Kho dữ liệu và kinh doanh thông minh

3(3-1-0-6)

Học phần học trước: MI3090 Cơ sở dữ liệu

Mục tiêu: Học phần cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về kho dữ liệu; các kỹ năng sử dụng công nghệ để xây dựng kho dữ liệu và khai thác dữ liệu (báo cáo, thống kê, bảng điện tử). Từ đó giúp người học có thể áp dụng để giải quyết các bài toán hỗ trợ quyết định dựa trên thông tin.

Nội dung: Kiến trúc kho dữ liệu và kinh doanh thông minh; Các mô hình dữ liệu; Quy trình phân tích xây dựng kho dữ liệu; Tích hợp dữ liệu; Công nghệ triển khai kho dữ liệu và khai thác dữ liệu.

 

MI4100        Bảo mật dữ liệu và độ phức tạp thuật toán

3(3-1-0-6)

Học phần học trước: MI2020 Xác suất Thống kê, MI1140/MI1030 Đại số

Mục tiêu: Trang bị cho sinh viên một số cơ sở toán học cần thiết có liên quan về độ phức tạp tính toán, số học và đại số, và cách tiếp cận hiện đại về bảo mật và an toàn dữ liệu,  chủ yếu là cơ sở lý thuyết mật mã học hiện đại.

Nội dung:

– Mở đầu: Vai trò độ phức tạp thuật toán, đặc biệt trong lĩnh vực và bảo mật và an toàn dữ liệu. Vai trò cửa sập các hệ mật mã trên cơ sở độ phức tạp tính toán, tính không giải được, độ mật hoàn thiện, độ mật tích.

– Những vấn đề cơ sở toán học có liên quan bảo mật và an toàn dữ liệu, về đại số, số học, xác suất như nhóm hữu hạn, nhóm aben và xyclic, logarithm rời rạc, thuật toán và các thuật toán xác suất Monte-Carlo, LasVegas, thuật toán Euclid mở rộng, Định lý phần dư Trung Hoa, số nguyên tố, lý thuyết chia hết và lý thuyết đồng dư,  phân tích hợp số, vành đa thức,‍ vành thương, trường hữu hạn.

– Một số hệ mật mã cổ điển và hiện đại, mã khóa đối xứng như DES, TDES, AES,.. mã khóa công khai RSA, Elgamal, Sắp ba lô…

– Hàm băm và chữ ký số.

-Các giao thức trong bảo mật và trao đổi tin an tòan, quản lý trao đổi khóa, xác thực.. và các ứng dụng.

– Một số chủ đề cơ bản liên quan đến an toàn dữ liệu và an toàn máy tính, mã sửa sai và phát hiện  sai, mã tuyến tính,  liên hệ mã sửa sai và thiết kế hệ mật mã.

– Cơ sở hệ thống, phòng chống virus và các chương trình nguy hại.

 

MI4210        Hệ hỗ trợ quyết định

3(3-1-0-6)

Học phần học trước:MI3090 Cơ sở dữ liệu

Mục tiêu:Học phần dành cho  những kiến thức cơ bản nhất để hiểu, nắm bắt các công cụ chính góp phần giải quyết một số lớp bài toán lớn nẩy sinh trong xử lý thông tin và lựa chọn giải pháp trong một số lớp bài toán ra quyết định.

Nội dung: Khái niệm cơ bản về hệ thống, cực trị trong hệ thống nhiều biến vào, hệ hỗ trợ quyết định, so sánh và lựa chọn dự án bằng quan hệ trội, toán tử tích hợp và lựa chọn quyết định.

 

 

EM3523       Quản trị tài chính

3(3-1-0-6)

Học phần học trước: EM3100 hoặc EM3109 Kinh tế học đại cương

Mục tiêu: Trang bị cho người học các kiến thức và kỹ năng để đưa ra các quyết định tài chính cơ bản của một doanh nghiệp hoặc tổ chức. Sau khi hoàn thành học phần này, sinh viên sẽ có thể: (1) Lựa chọn công cụ tài chính phù hợp để huy động vốn hoặc đầu tư; (2) Đánh giá được thực trạng tài chính của doanh nghiệp và xây dựng giải pháp xử lý thích hợp; (3) Lập kế hoạch tài chính hàng năm và giải pháp đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động thường xuyên; (4) Phân tích, lựa chọn dự án đầu tư và xây dựng kế hoạch đảm bảo nguồn vốn cho dự án.

Nội dung: Học phần bao gồm: Lý thuyết và các mô hình định giá, rủi ro và tỷ suất sinh lợi, lý thuyết danh mục đầu tư; Hệ thống báo cáo tài chính và phân tích tài chính doanh nghiệp; Cơ sở của các quyết định đầu tư (chi phí vốn và các phương pháp đánh giá đầu tư); Cơ sở của các quyết định tài trợ (cơ cấu vốn và đòn bẩy trong quản lý tài chính); Quản lý tài chính ngắn hạn; Các mô hình hoạch định tài chính; Một số vấn đề tài chính doanh nghiệp chuyên biệt: cổ phần hóa, mua bán sáp nhập.

 

EM4413       Quản trị nhân lực

3(3-1-0-6)

Điều kiện học phần:

Học phần học trước: EM1010 Quản trị học đại cương

Mục tiêu: Học phần này giúp cho sinh viên nắm bắt được những kiến thức cơ bản liên quan đến việc quản trị một nguồn lực vô cùng quan trọng của doanh nghiệp đó là nguồn lực con người. Sinh viên sẽ nắm bắt được cách thức các doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự như thế nào, sử dụng họ ra sao và cần phải đưa ra những cách thức gì để tưởng thưởng xứng đáng sự đóng góp của nhân viên. Sau khi hoàn thành học phần này, sinh viên sẽ có thể: ứng dụng được các phương pháp, các mô hình được trang bị để giải quyết các vấn đề khác nhau của quản trị nguồn nhân lực trong doanh nghiệp.

Nội dung: Học phần sẽ cung cấp những nền tảng lý thuyết quan trọng về hệ thống quản trị nguồn nhân lực trong doanh nghiệp, những vấn đề chính của quản trị nguồn nhân lực và những phương pháp, công cụ phân tích, tính toán định lượng và định tính để giúp giải quyết những vấn đề về nhân lực đó. Nội dung chính của học phần gồm: những khái niệm cơ bản về quản trị nguồn nhân lực; lập kế hoạch và tuyển dụng; đào tạo và phát triển; chính sách đãi ngộ; môi trường làm việc và quan hệ lao động.

 

EM4316       Thương mại điện tử (BTL)

3(2-2-0-6)

Học phần học trước: EM2104 Quản trị kinh doanh đại cương

Mục tiêu: Học phần nhằm cung cấp cho sinh viên những hiểu biết về đặc điểm, cách phân loại, lợi ích và hạn chế của thương mại điện tử, cũng như các đòi hỏi và điều kiện tham gia thương mại điện tử; kỹ năng tiếp cận, khai thác và sử dụng các nguồn thông tin trên Internet; kỹ năng thiết kế, quản lý và vận hành một website thương mại điện tử đơn giản; và trang bị năng lực phân tích và lập kế hoạch triển khai, ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp. Sau khi hoàn thành học phần này, sinh viên sẽ có thể: (1) hiểu rõ các khái niệm của thương mại điện tử và phân biệt nó với thương mại truyền thống; thực trạng của thương mại điện tử ở Việt Nam và trên thế giới; (2) nắm được đặc điểm và cách phân loại thương mại điện tử; ưu nhược điểm của các phương tiện kỹ thuật được sử dụng trong thương mại điện tử; (3) nắm được những lợi ích và hạn chế của thương mại điện tử, các đòi hỏi và điều kiện tham gia thương mại điện tử; (4) có kỹ năng tiếp cận, khai thác và sử dụng những thông tin trên mạng Internet phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu và sản xuất kinh doanh; (5) có khả năng thiết kế, quản lý và vận hành một website thương mại điện tử đơn giản; và (6) có khả năng ứng dụng được các kiến thức của học phần vào việc phân tích tác động của thương mại điện tử đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời lập kế hoạch triển khai, ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp.

Nội dung: Học phần bao gồm: (1) tổng quan về thương mại điện tử; (2) marketing điện tử; (3) quy trình giao dịch và thực hiện đơn hàng trong thương mại điện tử; (4) vấn đề pháp luật và hợp đồng trong thương mại điện tử; (5) thanh toán trong thương mại điện tử; (6) quản lý rủi ro trong thương mại điện tử; (7) xây dựng kế hoạch kinh doanh điện tử.

 

EM4210       Khởi sự kinh doanh (BTL)

3(2-2-0-6)

Học phần học trước: EM2104 Quản trị kinh doanh đại cương

Mục tiêu: Học phần nhằm cung cấp những kiến thức về khởi tạo ý tưởng kinh doanh, mô hình kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh và tạo lập doanh nghiệp dựa trên ý tưởng kinh doanh. Sinh viên sẽ hoàn thành bản kế hoạch kinh doanh chi tiết để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh ban đầu. Sau khi hoàn thành học phần này, sinh viên sẽ có thể: (1) nắm vững quá trình khởi sự kinh doanh bắt đầu từ một ý tưởng; (2) trình bày và vận dụng được các phương pháp tư duy để tạo ra ý tưởng kinh doanh mới; (3) hình thành và mô tả được mô hình kinh doanh dựa trên ý tưởng kinh doanh ban đầu; (4) soạn thảo được bản kế hoạch kinh doanh thuyết phục; (5) biết cách lập được các kế hoạch chức năng về marketing, sản xuất, tổ chức, nhân lực và tài chính trong bản kế hoạch kinh doanh; (6) hiểu được dòng thu nhập từ đâu tới và nắm vững cách xác định tổng vốn đầu tư, chi phí hoạt động và dòng tiền dự báo; (7) nắm được những cách thức tạo lập doanh nghiệp và có được nguồn tài chính cho việc khởi sự kinh doanh.

Nội dung: Học phần bao gồm các nội dung chính như sau: (1) giới thiệu về khởi sự kinh doanh; (2) ý tưởng kinh doanh; (3) xây dựng mô hình kinh doanh với công cụ Canvas; (4) lập kế hoạch kinh doanh; (5) kế hoạch R&D và marketing; (6) kế hoạch sản xuất và tác nghiệp; (7) kế hoạch nhân sự và tổ chức; (8) kế hoạch tài chính; (9) phân tích rủi ro; và (10) triển khai hoạt động kinh doanh.

 

MI4362        Tính toán song song

3(2-2-0-6)

Học phần học trước: MI3310 Kỹ thuật lập trình, MI3060 Cấu trúc dữ liệu và giải thuật

Mục tiêu:Học phần này giúp sinh viên nắm bắt được các khái niệm cơ bản về tính toán song song, các phương pháp phát triển thuật toán song song trên các hệ thống tính toán song song cụ thể.

Nội dung: Mở đầu. Đại cương về tính toán song song. Các mẫu thiết kế thuật toán song song  (Paradigms for Parallel Algorithms). Thuật toán song song cho một số bài toán đơn giản. Tìm kiếm và trộn. Sắp xếp. Các thuật toán đồ thị.

 

MI4342        Kiến trúc máy tính

3(3-1-0-6)

Học phần học trước: IT1110/IT1010 Tin học đại cương

Mục tiêu:Học phần này cung cấp các kiến thức cơ bản về tổ chức, kiến trúc, chức năng và nguyên lý hoạt động của máy tính, định hướng thiết kế những thành phần cơ bản tạo nên hệ thống máy tính hiện đại.

Nội dung: Kiến trúc cơ bản của hệ thống máy tính và đơn vị xử lý trung tâm CPU. Kiến trúc hệ thống bus. Tổ chức và quản lý bộ nhớ. Kiến trúc hệ thống vào-ra dữ liệu, các phương pháp vào-ra và thiết bị vào-ra dữ liệu.

 

MI4402        Lập trình Mobile

3(2-0-2-6)

Học phần học trước: MI3310 Kỹ thuật lập trình, MI4060 Hệ thống và mạng máy tính

Mục tiêu: Học phần cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về công nghệ và kỹ thuật phát triển phần mềm ứng dụng cho thiết bị di động, kỹ năng lập trình phát triển phần mềm ứng dụng cho thiết bị di động trên một vài nền tảng cụ thể. Từ đó sinh viên có khả năng tiếp tục phát triển các ứng dụng di động, đưa ứng dụng lên các kho ứng dụng.

Nội dung: Mạng di động và thiết bị di động; Các hệ điều hành trên thiế tbị di động; Xu hướng ứng dụng trên thiết bị di động; Các thành phần ứng dụng di động; Công cụ phát triển ứng dụng; Xây dựng ứng dụng di động.

 

MI4372        Thiết kế, cài đặt và quản trị mạng máy tính

3(2-2-0-6)

Học phần học trước: MI4060 Hệ thống và mạng máy tính

Mục tiêu: Môn học cung cấp cho sinh viên các kiến thức và kỹ năng cơ bản để thiết kế hệ thống mạng cho một hệ thống quy mô vừa và nhỏ.

Nội dung: Tổng quan về hệ thống và mạng máy tính, tầng vật lý trong mô hình tham chiếu OSI, liên kết dữ liệu, tầng mạng, tầng giao vận, tầng phiên, tầng trình diễn, mạng cục bộ LAN, mạng INTERNET.

 

MI4302        Hệ thống phân tán

3(2-0-2-6)

Học phần học trước: MI4060 Hệ thống và mạng máy tính

Mục tiêu: Học phần nhằm cung cấp cho sinh viên những khái niệm, những nguyên lý cơ bản của một hệ phân tán nói chung. Đồng thời phân tích nghiên cứu sâu một số hệ phân tán cụ thể như MOM, Service.

Tóm tắt nội dung học phần: Các mô hình hệ thống phân tán; Các mô hình truyền thông điệp sử dụng cho hệ thống phân tán; Vấn đề đồng bộ hóa, các cơ chế phối hợp và thống nhất; Một số nền tảng hệ thống phân tán tiêu biểu.

 

MI4412        Quản trị dự án CNTT

3(2-2-0-6)

Học phần học trước: MI3120 Phân tích và thiết kế hệ thống

Mục tiêu: Học phần cung cấp các kiến thức cơ bản về quản lý dự án công nghệ thông tin. Sau khi hoàn thành học phần này, sinh viên có cái nhìn tổng quan về công việc của một quản trị dự án, có khả năng nắm được và vận dụng các kiến thức đã học để quản lý dự án công nghệ thông tin, dự án phần mềm.

Nội dung:Tổng quan quản trị dự án/dự án CNTT; lập kế hoạch dự án; ước lượng chi phí, thời gian, nguồn lực cho dự án; quản lý rủi ro, quản lý nguồn lực thực hiện dự án.

 

MI4341        Một số phương pháp toán học trong tài chính

3(3-1-0-6)

Học phần học trước: MI2020 Xác suất Thống kê

Mục tiêu:Cung cấp cho sinh viên các khái niệm tài chính và công cụ toán học nhằm mô hình hóa một số lớp các hiện tượng, quá trình thực tế quan trọng. Các mô hình này có thể sử dụng với nhiều mục đích như phân tích, tính toán, dự báo, điều khiển, tối ưu hóa… trong các vấn đề tài chính (đặc biệt trong phân tích chứng khoán) và ứng dụng.

Nội dung: Mô hình thị trường, chứng khoán phi rủi ro, chứng khoán, lợi suất, rủi ro, quản lý danh mục đầu tư, quyền chọn, định giá quyền chọn…

 

MI4050        Chuỗi thời gian

3(3-1-0-6)

Học phần học trước: MI2020 Xác suất Thống kê

Mục tiêu:Cung cấp chosinh viên công cụ phân tích ngẫu nhiên rời rạc nhằm mô hình hóa lớp các quá trình thực tế quan trọng trong kinh tế và kỹ thuật. Các mô hình này có thể sử dụng với nhiều mục đích như dự báo, điều khiển, tối ưu hóa… trong các bài toán khoa học kỹ thuật và ứng dụng.

Nội dung:Chuỗi thời gian, quá trình dừng, xử lý thô, các mô hình tự hồi quy trung bình trượt, nhận dạng mô hình, dự báo…

 

MI4110        Mô phỏng ngẫu nhiên và ứng dụng

3(3-1-0-6)

Học phần học trước:MI2020 Xác suất thống kê

Mục tiêu:Cung cấp cho sinh viên các công cụ cơ bản cũng như các kiến thức về mô phỏng ngẫu nhiên, làm cho sinh viên thấy được các ứng dụng đa dạng của mô phỏng ngẫu nhiên vào giải các bài toán thực tế.

Nội dung: Tổng quan về mô phỏng ngẫu nhiên, mô phỏng các mô hình ngẫu nhiên cơ bản, mô phỏng quá trình ngẫu nhiên, một số ứng dụng của mô phỏng ngẫu nhiên.

 

MI4422        Quản trị quan hệ khách hàng

3(3-1-0-6)

Học phần học trước:

Mục tiêu: Học phần cung cấp các kiến thức tổng quan về quản trị quan hệ khách hàng (CRM), chiến lược quản trị, tổ chức thực hiện, ứng dụng CNTT trong hoạt động quản trị quan hệ khách hàng. Từ đó giúp sinh viên hiểu được các vấn đề như: tổ chức đạt được gì qua CRM, đạt được như thế nào? Làm thế nào để xây dựng và ứng dụng CRM?

Nội dung: Tổng quan về quản trị quan hệ khách hàng; Chiến lược quản trị, tổ chức thực hiện; Ứng dụng CNTT trong hoạt động quản trị quan hệ khách hàng; Mô hình hệ thống thông tin CRM.

 

MI4090        Lập trình hướng đối tượng

3(2-2-0-6)

Học phần học trước: MI3310 Kỹ thuật lập trình

Mục tiêu:Sinh viên được trang bị các khái niệm cơ bản của phương pháp hướng đối tượng, nắm được nguyên lý, nghệ thuật lập trình máy tính và sự tiến triển của ngôn ngữ,  có được tư duy trong lập trình máy tính nói chung và đặc biệt là trong lập trình hướng đối tượng. Học phần cũng cung cấp cho sinh viên các phương pháp và kỹ thuật lập trình hướng đối tượng với ngôn ngữ C++ và ngôn ngữ C#.

Nội dung: Tư tưởng của lập trình hướng đối tượng, so sánh lập trình hướng đối tượng với lập trình cấu trúc (hàm, thủ tục); các nguyên lý hướng đối tượng cơ bản (nguyên lý trừu tượng hóa; nguyên lý đóng gói; nguyên lý phân cấp); các kiểu, lớp, đối tượng và giao diện; tính thừa kế, đa hình và ủy quyền; lập trình hướng đối tượng với C++ và lập trình hướng đối tượng với C#.

 

 

MI4392        Công nghệ Web và kinh doanh điện tử

3(2-0-2-6)

Học phần học trước: MI3310 Kỹ thuật lập trình, MI4060 Hệ thống và mạng máy tính

Mục tiêu: Học phần cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về kiến trúc web, nền tảng ứng dụng web, hiểu được các mô hình kinh doanh điện tử.

Nội dung: Kiến trúc web, mô hình ứng dụng web; Phát triển phần mềm ứng dụng nền web trên một vài nền tảng công nghệ cụ thể; Các hệ thống kinh doanh điện tử/eBussiness; Mô hình kinh doanh; Công nghệ liên quan: phần mềm và phần cứng web server, an toàn giao dịch điện tử, thanh toán điện tử.

 

EM3170       Văn hoá doanh nghiệp

2(2-1-0-4)

Học phần học trước: EM1010 Quản trị học đại cương

Mục tiêu: Học phần nhằm trang bị những kiến thức chung về văn hóa kinh doanh và những kỹ năng cần thiết để tổ chức, ứng dụng, và phát triển các kiến thức về văn hóa kinh doanh trong hoạt động kinh tế, kinh doanh.

Nội dung: Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản về: khái niệm, đặc điểm, vai trò và các hình thức biểu hiện của văn hóa kinh doanh; khái niệm, nội dung, và hình thức thể hiện, vai trò, những điều kiện, cách thức xây dựng và phát huy triết lý kinh doanh của doanh nghiệp đồng thời phân tích vấn đề xây dựng và phát huy triết lý kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam; tổng quan về đạo đức kinh doanh; định nghĩa, các nhân tố tác động, các bộ phận cấu thành, vai trò của doanh nhân trong phát triển văn hóa doanh nghiệp và hệ thống tiêu chuẩn đánh giá văn hóa doanh nhân; chi tiết về văn hóa doanh nghiệp; phân tích vai trò, tác động của văn hóa kinh doanh trong mọi hoạt động của doanh nghiệp.

 

EM2210       Giao tiếp kinh doanh và thuyết trình

2(2-1-0-4)

Học phần học trước:

Mục tiêu: Học phần nhằm cung cấp những kiến thức về giao tiếp và kỹ năng giao tiếp của cá nhân tại doanh nghiệp và giữa cá nhân với bên ngoài, trong đó bao gồm các kỹ năng nói và lắng nghe, giao tiếp phi ngôn từ, kỹ năng viết các văn bản ngắn và báo cáo, thuyết trình, đàm phán và giao tiếp trong tuyển dụng. Sau khi hoàn thành học phần này, sinh viên sẽ có thể: (1) trình bày được tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp và các loại giao tiếp trong kinh doanh; (2) mô tả được các yêu cầu đối với giao tiếp phi văn bản tại nơi làm việc (xã giao, làm việc nhóm, hội họp); (3) phân biệt được ý nghĩa của một số dạng ngôn ngữ cử chỉ thường gặp trong giao tiếp hàng ngày; (4) trình bày được các bước trong quy trình soạn thảo văn bản và các nguyên tắc viết các thông điệp với nội dung tích cực, tiêu cực và thuyết phục; (5) viết được các báo cáo kinh doanh đúng yêu cầu và thuyết phục; thuyết trình theo chủ đề một cách tự tin; (6) mô tả và vận dụng được lý thuyết đàm phán vào tình huống kinh doanh và đời thường; và (7) biết cách chuẩn bị lý lịch xin việc và thư xin việc một các chuyên nghiệp.

Nội dung: Học phần bao gồm: (1) tổng quan về giao tiếp kinh doanh, (2) giao tiếp trong môi trường kinh doanh đa văn hóa, (3) giao tiếp phi văn bản tại nơi làm việc; (4) giao tiếp phi ngôn từ; (5) giao tiếp bằng văn bản;  (6) giao tiếp bằng thư tín thương mại; (7) viết báo cáo và đề án kinh doanh; (8) thuyết trình kinh doanh; (9) đàm phán kinh doanh và (10) giao tiếp trong tuyển dụng.

 

EM3221       Kỹ năng viết báo cáo khoa học

2(2-1-0-4)

Học phần học trước:

Mục tiêu: Học phần nhằm cung cấp những kiến thức và rèn luyện kỹ năng viết các báo cáo mang tính khoa học ở bậc đại học, như là báo cáo nghiên cứu khoa học sinh viên, tiểu luận môn học, bài tập lớn, khóa luận tốt nghiệp và các dạng báo cáo khoa học khác. Sau khi hoàn thành học phần này, sinh viên sẽ có thể: (1) trình bày được tầm quan trọng của kỹ năng viết trong học tập và làm việc; (2) phân loại được các dạng báo cáo khoa học và yêu cầu của mỗi loại; (3) mô tả được quy trình viết báo cáo khoa học và cấu trúc thông thường của một báo cáo khoa học; (4) biết cách lựa chọn chủ đề, xác định luận điểm chính và phương pháp trình bày luận điểm trong báo cáo; (5) sử dụng được các từ ngữ và câu văn trong báo cáo một cách rõ ràng và không sai chính tả; (6) viết được các đoạn văn giới thiệu, trình bày và kết luận một cách phù hợp với chủ đề; (7) biết cách trích dẫn tài liệu đúng quy định và tránh lỗi đạo văn; (8) biết cách sử dụng các phần mềm hỗ trợ cho việc viết và trình bày báo cáo hiệu quả (Microsoft Word, Visio, EndNote, MathType …); và (9) hình thành được các kỹ năng viết các báo cáo khoa học bậc đại học.

Nội dung: Học phần bao gồm: (1) tổng quan về kỹ năng viết báo cáo khoa học; (2) cấu trúc và quy trình viết báo cáo khoa học; (3) chủ đề, luận điểm chính và phương pháp trình bày luận điểm; (4) đoạn văn và văn phong khoa học; (5) câu từ, chính tả và ngữ pháp; (6) trình bày dữ liệu và minh chứng; (7) sử dụng tài liệu tham khảo và trích dẫn; (8) chỉnh sửa và hoàn thiện báo cáo; và (9) sử dụng phần mềm hỗ trợ viết báo cáo.

 

EM3130       Kinh tế lượng

3(3-1-0-6)

Học phần học trước: EM3100 hoặc EM3109 Kinh tế học đại cương

Mục tiêu: Học phần giúp học viên nắm rõ và vận dụng được các mô hình hồi qui để ước lượng, dự đoán giá trị trung bình của tổng thể của các biến phụ thuộc theo giá trị của biến giải thích nhằm xác định mức độ quan hệ giữa các biến, từ đó thấy được bản chất của các hiện tượng và tìm được các biện pháp khắc phục. Môn học còn nhằm trang bị cho các học viên cách thức vận dụng các công cụ phân tích định lượng vào việc xử lý phân tích các vấn đề kinh tế cụ thể.

Nội dung: Học phần bao gồm: Tổng quan về Kinh tế lượng và phân tích hồi qui; mô hình hồi qui hai biến, ước lượng và kiểm định; mô hình hồi qui đa biến; đa cộng tuyến; hồi qui với biến giả; phương sai sai số thay đổi; tương quan chuỗi.

 

EM4416       Quản trị chiến lược

3(3-1-0-6)

Học phần học trước: EM1010 Quản trị học đại cương

Mục tiêu: Nhằm trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về các mô hình phân tích chiến lược, trình tự hoạch định chiến lược và các loại hình chiến lược thường được áp dung trong các doanh nghiệp. Sau khi hoàn thành học phần này sinh viên có khả năng: tham gia dự án hoạch định chiến lược kinh doanh ở Công ty; phân tích đánh giá các phương án chiến lược kinh doanh

Nội dung: Trang bị kiến thức: các mô hình phân tích chiến lược; các loại hình chiến lược cấp công ty; các loại hình chiến lược cấp đơn vị kinh doanh; những vấn đề thực thi chiến lược

 

EM4212       Phân tích hoạt động kinh doanh

3(3-1-0-6)

Học phần học trước: EM2104 Quản trị kinh doanh đại cương

Mục tiêu: Môn học nhằm cung cấp cho sinh viên những khái niệm cơ bản có liên quan tới việc phân tích các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động quản lý và giám sát thực hiện các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp. Sau khi hoàn thành học phần này, sinh viên sẽ có thể: (1) Phân biệt được các khái niệm và mối liên hệ về mặt bản chất giữa các chỉ tiêu kinh tế; (2) Nắm vững và vận dụng linh hoạt các phương pháp phân tích; (3) Phân tích chính xác tình trạng sản xuất kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp trong mối quan hệ với các nhân tố liên quan; (4) Đề xuất các biện pháp nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh

Nội dung: Học phần bao gồm: (1) tổng quan về phân tích hoạt động kinh doanh; (2) các phương pháp phân tích hoạt động kinh doanh; (3) phân tích năng lực sản xuất và kết quả sản xuất kinh doanh; (4) phân tích chi phí và giá thành; (5) phân tích tình hình tiêu thụ sản phẩm; (6) phân tích lợi nhuận; (7) phân tích hiệu quả kinh doanh; và (8) phân tích hoạt động kinh doanh với bộ chỉ số KPI.

 

MI4800        Thực tập kỹ thuật

2(0-0-6-4)

Học phần học trước:

Mục tiêu:Giúp cho sinh viên rèn luyện và nâng cao kỹ năng lập trình, xây dựng hệ thống để giải quyết các bài toán thực tế trên máy tính điện tử.

Nội dung:Sinh viên thực hiện đề tài tại một cơ sở ngoài trường (một tổ chức hay một doanh nghiệp…) hoặc thực tập tại trường theo đề tài do giảng viên hướng dẫn giao.

MI4900        Đồ án tốt nghiệp

6(0-0-12-12)

Học phần học trước: MI3390 Đồ án II

Mục tiêu:

  • Liên kết và củng cố kiến thức cốt lõi, mở rộng và nâng cao kiến thức chuyên môn của ngành;
  • Phát triển năng lực xây dựng ý tưởng, thiết kế, xây dựng một hệ thống thông tin quản lý;
  • Rèn luyện các kỹ năng chuyên nghiệp và kỹ năng xã hội: kỹ năng trình bày, thuyết trình; kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm; kỹ năng sử dụng ngoại ngữ.

Nội dung:Mỗi sinh viên được thầy hướng dẫn giao một đề tài cụ thể thuộc một lĩnh vực chuyên môn hẹp của ngành đào tạo. Sinh viên nghiên cứu, trình bày và nộp kết quả thực hiện đồ án tốt nghiệp bằng văn bản.  Đồ án tốt nghiệp được bảo vệ trước hội đồng chấm đồ án tốt nghiệp do Viện đào tạo ra quyết định thành lập.