TỪ SINH VIÊN THƯỜNG XUYÊN “LÀM CÔNG TÁC KẾT NỐI CÁC THẾ HỆ” ĐẾN SINH VIÊN 5 TỐT

24/05/2021

Lưu Liên Tho - Toán tin 02 K65

“Sinh viên 5 tốt” là gì? Có xứng đáng để mình phấn đấu hay không? Làm thế nào để trở thành Sinh viên 5 tốt?

Khách mời phỏng vấn đặc biệt ngày hôm nay sẽ giúp chúng ta trả lời những câu hỏi đó.

  1. Đạo đức tốt
  2. Học tập tốt
  3. Thể lực tốt
  4. Tình nguyện tốt
  5. Hội nhập tốt

Đó là 5 tiêu chí cần thiết để có thể đạt được danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” danh giá.

Danh hiệu Sinh viên 5 tốt từ lâu đã là ước mơ của rất nhiều thế hệ sinh viên trên khắp mọi miền tổ quốc, là cơ sở quan trọng để xét học bổng, du học, tuyển dụng… Chính vì thế nên người ta hay ví von phong trào Sinh viên 5 tốt như một “cuộc chạy đua lớn”.

Với những tiêu chí cao, khắt khe và kén chọn như vậy người ta thường liên tưởng đến những sinh viên có dáng vóc to lớn và bộ não “khổng lồ”.

Nghĩ vậy mà không phải vậy, ở Viện Toán ứng dụng và Tin học đã có một cô gái với vóc dáng nhỏ nhắn, xinh xắn đã vượt qua tất cả 5 tiêu chí kia để trở thành một trong những gương mặt xuất sắc nhất của Đại học Bách khoa Hà Nội nhận danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Thành phố!

Đó chính là LONG THỊ LỆ, sinh viên K61, chuyên ngành Toán tin, Viện Toán ứng dụng và Tin học, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Hãy cùng điểm lại một vài thành tích tiêu biểu đã làm nên thành công của Lệ ngày hôm nay nhé!

? Nhận Giấy khen của BCH Đoàn trường do đã có nhiều thành tích trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, sinh viên năm học 2018-2019.

? Nhận Chứng nhận do đã tham dự và trình bày báo cáo tại Hội nghị khoa học Quốc gia về "Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng Công nghệ thông tin" diễn ra tại Trường Đại học Nha Trang, TP Nha Trang với đề tài "Một giải pháp nâng cao hiệu quả giải mã của hệ mật đa trị và nhập nhằng MAS"(dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Nguyễn Đình Hân).

? Nhận Chứng nhận của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam do đã tham gia hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian trong chương trình Trung thu 2019: "Sắc màu văn hóa Gia Lai" tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Trái với cảm xúc bất ngờ, hạnh phúc khi nhận được danh hiệu Sinh viên 5 tốt (SV5T) là một cơ duyên bất ngờ không được định sẵn dẫn Lệ tham gia “cuộc đua” này:

Thật ra mình không có mục tiêu và kế hoạch phấn đấu đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" ngay từ đầu. Mình có biết về danh hiệu này tuy nhiên do không nắm được thông tin nên bản thân vẫn nghĩ mình khó mà đạt được danh hiệu cấp trường, chứ chưa dám nghĩ tới cấp thành phố. Gần đến thời gian nộp hồ sơ, mình mới có thông tin về "Tiêu chuẩn sinh viên 5 tốt". Nhận thấy có nhiều tiêu chí phù hợp và được động viên nên mình đã tham gia.” - Lệ chia sẻ.

Các tiêu chí của SV5T nhìn qua thực sự rất khó khăn “làm dâu trăm họ” như chúng ta vẫn hay nói đùa với nhau. Nhưng theo quan điểm của Lệ, đối với những ai đã tìm hiểu về danh hiệu này thì chắc chắn sẽ nhận ra một số tiêu chí có thể dễ dàng đạt được, miễn là biết lên kế hoạch và dành thời gian cho nó, ví dụ như: điểm rèn luyện, các hoạt động tình nguyện,.... Nói về “cái khó” cho những ai trong tương lai muốn đạt được danh hiệu SV5T, Lệ chia sẻ:

“Có lẽ với nhiều bạn tiêu chí học tập là khó nhất. Đối với SV5T cấp trường, GPA trung bình năm chỉ yêu cầu 2.5/4.0; nhưng đối với cấp thành phố yêu cầu 3.2/4.0 và 3.4/4.0 đối với cấp Trung ương. Tuy nhiên cái khó nhất ở đây là tiêu chí liên quan đến NCKH. Đối với SV5T cấp trường, yêu cầu là thành viên của CLB học thuật cấp Liên chi hội trở lên hoặc tham gia đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên (có xác nhận của thầy cô hướng dẫn) hoặc tham gia kỳ thi học thuật cấp trường trở lên. Ở cấp thành phố thì khó khăn hơn khi các tiêu chí không chỉ là tham gia NCKH nữa mà yêu cầu tham gia tích cực, có sản phẩm được công nhận hoặc các cuộc thi học thuật với quy mô lớn hơn. Muốn đặt mục tiêu đi xa hơn nữa thì các bạn nên tham gia NCKH càng sớm càng tốt. Tiêu chí về ngoại ngữ cũng rất quan trọng, yêu cầu tăng dần theo các cấp.

Để biết thêm chi tiết các bạn nên tham khảo thêm tài liệu "Tiêu chuẩn sinh viên 5 tốt", theo dõi các kênh thông tin của Câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt và LCĐ, LCH.”

Chỉ sự nỗ lực của bản thân thôi là chưa đủ và quả thực điều đó rất đúng kể các với sinh viên xuất sắc như Lệ.  “Trước đây mình một sinh viên rất bình thường, vẫn thường xuyên "làm công tác kết nối các thế hệ" (nói cho nó vui thôi chứ thực ra là học lại cùng các em khóa dưới ), chỉ nghĩ cố gắng mau ra trường, đi làm đúng hạn là được rồi.” Lệ vui vẻ chia sẻ. Và để được những thành tích như ngày hôm này, bên cạnh cô gái đam mê lĩnh vực Bảo mật này là sự giúp đỡ, khích lệ động viên đến từ gia đình, thầy cô và bạn bè cũng như LCĐ-LCH Viện Toán ứng dụng và Tin học:

Gia đình – đặc biệt là mẹ - vẫn luôn là nguồn động lực to lớn để mình phấn đấu, luôn bên cạnh trong những giai đoạn khó khăn nhất. Bạn bè luôn là người chia sẻ, giúp đỡ mình khi không có gia đình ở bên. Thật may mắn cho mình vì thầy cô trong Viện vẫn luôn đồng hành với mình trong suốt quá trình học tập.: cô Bạch Kim luôn luôn ân cần quan tâm, động viên, khích lệ; thầy Cảnh Nam luôn hỗ trợ các vấn đề liên quan đến chương trình học kịp thời; thầy Đỗ Đức Thuận là giảng viên chủ nhiệm lớp luôn tạo mọi điều kiện cho lớp; cô Thu Hương luôn nhiệt tình tư vấn các vấn đề liên quan đến cao học; thầy Ngọc vui tính, luôn gần gũi với sinh viên, … Đặc biệt là một người thầy mà mình rất kính trọng và biết ơn, đó là thầy hướng dẫn của mình - PGS.TS. Nguyễn Đình Hân. Mình thật sự cảm thấy may mắn vì có cơ duyên được gặp thầy, được thầy động viên khích lệ, tin tưởng và tận tình hướng dẫn mình NCKH, giúp mình có được tấm vé thông hành trên hành trình đi đến danh hiệu "Sinh viên 5 tốt". Bên cạnh đó, mình còn có LCĐ-LCH luôn hết lòng giúp đỡ, hướng dẫn cũng như giải đáp thắc mắc. Gần 3 năm mình hoạt động trong LCĐ, do đó với mình LCĐ giống như gia đình của mình vậy. Chúng mình cùng nhau tổ chức sự kiện, cùng nhau đi chơi, có đôi khi cũng tranh luận khá gay gắt nhưng vẫn yêu thương nhau, động viên nhau cùng tiến bộ. Nhờ LCĐ mà mình có cơ hội được biết đến các anh chị khóa trước, bạn bè và các em khóa sau, những người tài năng như anh Chiến, anh Lâm (K57), anh Hoàng Linh (K60), Lê Duyên, Lâm Tùng (K60), Thu Uyên (K61), Trung Nghĩa, Thu Hằng (K62),… mỗi người một điểm mạnh riêng và đã giúp đỡ mình rất nhiều.

Nhân đây mình xin gửi lời cảm ơn tới tất cả các cá nhân, tổ chức đã đồng hành cùng mình trong suốt quá trình phấn đấu để hoàn thiện bản thân!” 

PGS.TS. Nguyễn Đình Hân (bên trái); Long Thị Lệ (bên phải)

“Với mình, tham gia hoạt động không chỉ là chơi cho vui, với mỗi hoạt động mình đều muốn học được điều gì đó.”  Thật vậy, như chuyến đi tình nguyện tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Lệ kể lại: “Hè năm đó, từ thứ 2 đến thứ 6 mình đều ở trên công ty thực tập kỹ thuật, hai ngày cuối tuần dành trọn thời gian ở Bảo tàng để trực nhà Rông của người Ba Na. Mình được tập huấn về các nội dung liên quan đến ngôi nhà, nhiệm vụ là đến sớm dọn dẹp, đón tiếp khách tham quan và giới thiệu về nhà Rông. Trong suốt thời gian tình nguyện, mình phải tranh thủ ăn trưa và tranh thủ chợp mắt khi vắng khách. Không được ngủ trưa thực sự rất mệt nhưng nhờ có các bạn tình nguyện viên và các bạn thực tập sinh, mình được nghe rất nhiều điều lý thú về văn hóa, các phong tục truyền thống của các dân tộc, thậm chí là các vị thuốc trong vườn thuốc Nam. Nhiều vị khách cũng rất dễ thương và am hiểu về lịch sử, văn hóa. Khuôn viên Bảo tàng rất nhiều cây xanh, rất mát mẻ kể cả trong những ngày oi bức của mùa hè Hà Nội. Do đó mình luôn mong đến ngày cuối tuần để được đến Bảo tàng tận hưởng không khí trong lành.”

Long Thị Lệ (ngoài cùng bên phải) trong chuyến tình nguyện tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Hay chuyến đi Hội nghị khoa học Quốc gia về "Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng Công nghệ thông tin" (FAIR'2020) cũng để cho lại Lệ nhiều “lần đầu” khó quên: " Ngay trước khi tham gia Hội nghị, mình bất ngờ gặp tai nạn và phải nghỉ học 2 tuần. Mình đã có rất nhiều trải nghiệm khó quên: lần đầu tiên báo cáo Hội nghị, lần đầu tiên thuyết trình trước hội đồng toàn những người có chuyên môn cao và xa lạ, mình run lắm. Nhưng may mắn là trong quá trình NCKH mình đã được thầy thường xuyên đặt câu hỏi để hiểu rõ vấn đề nên cuối cùng mình cũng phản biện thuận lợi. Lần đầu tiên đến Nha Trang, lần đầu tiên một mình đi xa đến thế, ... mình vừa háo hức mà cũng hơi lo, nhưng nhờ tìm hiểu kỹ mình đã có chuyến đi khá suôn sẻ. Mình được có cơ hội tiếp xúc với các giáo sư, các anh chị nghiên cứu sinh, ... và học hỏi được thêm nhiều điều về con đường NCKH. Ngoài ra, mình cũng kịp tham quan một số địa điểm nổi tiếng, thăm Viện Hải dương học và thử đặc sản của thành phố Nha Trang. Đặt chân đến vùng đất mới, làm quen với những con người mới luôn là những trải nghiệm hết sức thú vị.". Đó là một chuyến đi rất đáng nhớ đối với Lệ.

Long Thị Lệ trong chuyến đi Hội nghị khoa học (FAIR'2020) tại Nha Trang

Đi nhiều như vậy nhưng cô SV5T của Viện Toán Ứng dụng và Tin học vẫn đảm bảo khối lượng kiến thức đồ sộ trên giảng đường. Điều đó làm ta vô cùng ngạc nhiên và thích thú, làm sao một người lại vừa có thể học tốt vừa có thể “chơi hết mình” như vậy?

Đối với Lệ cách cân đối thời gian, sắp xếp các công việc hợp lý và đặt việc học làm ưu tiên đầu tiên chính là chìa khóa. Gửi gắm đến những sinh viên đang tìm hiểu về danh hiệu SV5T nhưng còn đang băn khoăn sợ những hoạt động ngoài khóa lấn át thời gian, Lệ chia sẻ: “Hoạt động ngoại khóa chính là kỹ năng xã hội thiết yếu mà bạn khó có thể có được nếu chỉ vùi đầu vào học.Việc tham gia các hoạt động ngoại khóa cũng giúp chúng ta giảm căng thẳng sau nhiều giờ học. Nhiều khi chính nhờ các hoạt động đó mà mình biết thêm nhiều các anh chị, các bạn xuất sắc mà mình có thể học hỏi kinh nghiệm trong học tập, tìm được bạn cùng mục tiêu để cùng tiến bộ, ... Thế nên hi vọng các bạn đừng ngại tham gia hoạt động ảnh hưởng đến học tập, quan trọng là bạn chọn hoạt động có phù hợp không và sắp xếp thời gian ra sao thôi. Năm năm học trôi qua nhanh lắm, hãy trân trọng nó. Nhiều năm sau nhìn lại, có lẽ các bạn không nhớ nhau từ các buổi học đâu, nhưng một buổi cắm trại gặp mưa bão thì có lẽ sẽ giúp các bạn nhớ nhau mãi đấy! Và quan trọng, để đạt được danh hiệu SV5T thì tham gia các hoạt động ngoại khóa là tiêu chí bắt buộc nhé!” 

Cuối cùng, Lệ dành những lời để động viên đến những bạn sinh viên vẫn khát khao giành được danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cao quý: “Cho dù kết quả học tập hiện tại của các bạn chưa được như ý nhưng mình mong các bạn sẽ luôn tin tưởng vào khả năng của bản thân. Các bạn đều có khả năng làm tốt hơn nữa, cố gắng quyết tâm học hành chăm chỉ, kiên trì học hỏi, rèn luyện bản thân nhé, sẽ đến lúc bạn nhận được thành quả. Nếu các bạn vẫn còn mông lung chưa rõ hướng đi phù hợp với bản thân thì hãy tìm đến ban cố vấn học tập, trao đổi với các anh chị khóa trước, mình tin rằng các thầy cô, các anh chị sẽ luôn đồng hành cùng các bạn. Hi vọng rằng trong những năm tới LCH sẽ có thêm thật nhiều cá nhân và tập thể "Sinh viên 5 tốt" các cấp.”

Cảm ơn Long Thị Lệ dù rất bận rộn nhưng vẫn dành thời gian chia sẻ, giúp mọi người hiểu hơn về chặng đường đi đến với danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”. Chúc Lệ trong thời gian tới có thể “tốt nghiệp đúng hạn” và giành được "học bổng" hoặc các nguồn hỗ trợ kinh phí để có thể học Thạc sỹ và tiếp tục NCKH. Chúc cho những kế hoạch Lệ đang ấp ủ đều trở thành hiện thực!

Làm gì cũng vậy, lần đầu thì luôn có nhiều thứ bỡ ngỡ, khó khăn nhưng chỉ cần chúng ta nỗ lực, sống chậm lại đôi chút để để ý những người xung quanh, dành chút thời gian khi thức dậy hàng ngày để lên kế hoạch cho một ngày mới. Nếu chúng ta luôn có cái nhìn tích cực, cùng với một thời gian biểu hợp lý như Long Thị Lệ thì chắc chắn danh hiệu SV5T sẽ không còn là điều khó khăn!

Hy vọng với những chia sẻ vừa rồi của Long Thị Lệ, các bạn sinh viên đã hiểu thêm phần nào về danh hiệu Sinh viên 5 tốt cũng như học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong việc học tập và rèn luyện.

Kỳ học mới sắp đến, liệu còn gì cản bước chân bạn phấn đấu trở thành "Sinh viên 5 tốt"?


Đánh giá bài viết


Xem thêm