Bài giảng đại chúng “Toán học là cần thiết cho hầu hết chúng ta”

03/06/2014

Diễn giả: GS. Endre Szemeredi (ĐH Rutgers, Mỹ; Giải thưởng Abel năm 2012)

Thời gian: 9:00 – 10:30 Thứ Hai, 28/7/2014

Địa điểm: Hội trường C2, Viện NCCC về Toán, tầng 7 Thư viện Tạ Quang Bửu, ĐH Bách Khoa Hà Nội, số 1 Đại Cồ Việt, Hà Nội.

Tóm tắt bài giảng:

Hungary có truyền thống đào tạo Toán học cho học sinh THPT trong suốt 120 năm qua.

Nhiều hoạt động về Toán bao gồm cả một tạp chí chuyên về Toán học và Vật lý hướng tới một số lượng lớn độc giả là các học sinh. Mỗi tháng tạp chí này đề ra 8 bài toán để các học sinh giải và gửi về ban biên tập đánh giá. Diễn giả sẽ đưa ra một số ví dụ.

Ngoài ra diễn giả sẽ nói về những sáng kiến mới để tổ chức các cuộc thi Toán học kết hợp với đi bộ và các hoạt động thể chất khác.

Một chút giới thiệu về Szemerédi: Ông là một nhà toán học có hành trình toán học rất kỳ lạ và tuyệt đối trúc trắc. Đầu tiên ông ta học ngành y, sau đó thấy ngành này không dành cho mình và bỏ, nhưng vẫn chưa biết làm gì tiếp theo. May mắn là vào một ngày đẹp trời ông gặp lại người bạn học cũ (giờ đã là một nhà toán học) ở ngoài đường, và người bạn đó đã khuyên ông bắt đầu lại với ngành toán, người bạn này còn nói thêm rằng thầy giáo cũ của họ cũng nghĩ như anh ta. Thế là Szemerédi đã bắt đầu lại với toán học

Sau 1 thời gian ông qua Moscow học cao học dưới sự hướng dẫn của nhà toán học cực kỳ nổi tiếng Gelfand. Nhóm học này gồm toàn những "ngôi sao nhạc rock", trong đó có Marguliss (Fields 1978), Arnold (đã quá nổi tiếng qua các bài giới thiệu của GS Tien Zung Nguyen, xem tại đây: http://zung.zetamu.net/2010/06/vladimir-igorevich-arnold-1937-2010/) và cả Manin nữa (Manin là thầy của GS Ha Huy Khoai, người đầu tiên công khai cảnh tỉnh các nhà toán học rằng các bài toán như các bài toán của Hilbert thực ra chẳng phải thứ quyết định tới sự phát triển của toán học hiện đại, mà các chương trình nghiên cứu tham vọng dài hơi mới có thể đưa chúng ta tới với tương lai)

Mặc dù là một ứng viên nặng ký, nhưng chỉ qua một thời gian ngắn học tập, cả Szemerédi và Gelfand nhanh chóng nhận ra Szemerédi quá "dốt" (vì thiếu kiến thức nền tảng) để học theo chương trình này. Gelfand thậm chí còn khuyên Szemerédi tìm kiếm một điều gì đó khác để có thể thành công trong tương lai. Có thể là một ông thầy khác hoặc thậm chí một ngành khác không phải toán học gì hết cả. Lúc bấy giờ Szemerédi đã 27 tuổi, tức là quá muộn để có thêm một khởi đầu lại thứ 2.

Nhưng ông đã gặp may khi một nhà toán học người Nga nổi tiếng khác bấy giờ là Gelfond đã giúp ông tìm kiếm người hướng dẫn mới. Và theo một cách nào đó Szemerédi đã bắt đầu nghiên cứu rất sâu vào tổ hợp (một cách độc lập, gần như không có người hướng dẫn). Dần dần, theo thời gian, ông đã tạo ra hàng loạt định lý quan trọng trong tổ hợp, hình học rời rạc và khoa học máy tính. Đỉnh điểm của các định lý đó là định lý về sự tồn tại cấp số cộng trong một tập con bất kỳ với mật độ dương của tập các số nguyên. Định lý thần kỳ này về sau được chứng minh theo hàng loạt cách. Terence Tào, Mozart của toán học, đã cùng đồng nghiệp của mình nghiên cứu lại tất cả các chứng minh đó. Kết quả của việc khảo lại phát kiến của Szemerédi cuối cùng đã đưa Terence tới với giải Fields năm 2006 nhờ công trình chứng minh thành công sự tồn tại của cấp số cộng các số nguyên tố với độ dài tùy ý.

Hành trình của Szemerédi có nét gì đó rất gần gũi với câu chuyện của một nhà toán học Việt Nam cũng đang rất nổi tiếng hiện nay, tức là GS Văn Vũ. Bài giảng tháng 7 này của Szemerédi tại Viện nghiên cứu cao cấp về toán VIASM có nhan đề "Toán học là cần thiết cho gần như là tất cả mọi người". Trong bài nói chuyện này, ngoài các câu chuyện đặc biệt về toán học thuần túy (và có thể là cả ứng dụng của nó nữa), ông Szemerédi cũng sẽ đề cập tới việc xây dựng format mới cho các kỳ thi toán, vốn là nét truyền thống đặc biệt trong hệ thống đào tạo toán ở Hungary. Đây chắc chắn là một chủ đề đủ nóng để đè bẹp cái oi bức kinh người của Hà Nội đúng giữa những ngày Hạ Chí. Hay là nói cho đơn giản, tóm lại đây sẽ là một buổi nói chuyện phong phú và thú vị, nói chung các bạn trẻ tuyệt đối rất nên đi nghe, à mà các bạn nhớ mang theo giấy bút và máy ảnh, để xin chữ ký và chụp hình chứ sao.

Thông tin chi tiết của bài giảng sắp tới của ông Szemerédi: http://viasm.edu.vn/events/public-lecture-mathematics-is-needed-for-almost-everyone/?instance_id&lang=en

 


Đánh giá bài viết


Xem thêm